^Back To Top
Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông để học sinh hướng đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống. Vậy giáo dục STEM là gì và mục tiêu của giáo dục STEM liệu có hướng đến phát triển một con người toàn diện, đáp ứng những kỹ năng của thời đại mới?
STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Thay vì học sinh học các môn học riêng biệt, STEM tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực, rèn luyện tư duy đa chiều giúp người học đi đến nguồn gốc vấn đề và thấy tính ứng dụng của các kiến thức trong các giải pháp giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống.
Những kiến thức và kỹ năng nêu trên phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Trong đó với kỹ năng khoa học, học sinh được trang bị kiến thức về các khái niệm, các nguyên lý, các định luật và các cơ sở lý thuyết của giáo dục khoa học. Mục tiêu quan trọng nhất là thông qua giáo dục khoa học, học sinh có khả năng liên kết các kiến thức này để thực hành và có tư duy để sử dụng kiến thức vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong thực tế.
Với kỹ năng công nghệ, học sinh có khả năng sử dụng, quản lý, hiểu biết, và truy cập được công nghệ, từ những vật dụng đơn giản như cái bút, chiếc quạt đến những hệ thống phức tạp như mạng Internet, máy móc.
Về kỹ năng kỹ thuật, học sinh được trang bị kỹ năng sản xuất ra đối tượng và hiểu được quy trình để làm ra nó. Vấn đề này đòi hỏi học sinh phải có khả năng tổng hợp và kết hợp để biết cách làm thế nào để cân bằng các yếu tố liên quan (như khoa học, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật) để có được một giải pháp tốt nhất trong thiết kế và xây dựng quy trình. Ngoài ra học sinh còn có khả năng nhìn nhận ra nhu cầu và phản ứng của xã hội trong những vấn đề liên quan đến kỹ thuật.
Và cuối cùng, kỹ năng toán học là khả năng nhìn nhận và nắm bắt được vai trò của toán học trong mọi khía cạnh tồn tại trên thế giới. Học sinh có kỹ năng toán học sẽ có khả năng thể hiện các ý tưởng một cách chính xác, có khả năng áp dụng các khái niệm và kỹ năng toán học vào cuộc sống hằng ngày.
STEM giúp người học biết cách áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. STEM giúp học sinh tư duy, giải quyết vấn đề dựa trên sơ sở khoa học chặt chẽ và có tính ứng dụng thực tế cao. Giao dục STEM có thể áp dụng với trẻ nhỏ đến học sinh cấp 3 nhưng sẽ khác nhau ở nhiều cấp độ:
Trong một dự báo từ Cục thống kê lao động Hoa kỳ, lực lượng lao động STEM dự kiến sẽ tăng 23% trong vòng ba năm tới với tỷ lệ các nghề nghiệp STEM là: Khoa học máy tính – 71%, Kỹ thuật truyền thống -16%, khoa học vật lý – 7%, khoa học đời sống – 4%, toán học – 2%. Nhu cầu tuyển dụng các công việc liên quan đến STEM không chỉ tăng ở Mỹ mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, STEM là cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ trong tương lai, nhu cầu lao động trong ngành này rất lớn nhưng độ cạnh tranh cũng rất cao, trong 10 năm tới, công nghệ sẽ thay đổi rất nhiều nền kinh tế. Các lĩnh vực từ tài chính, y tế, đầu tư,... đều sẽ có những thay đổi, ảnh hưởng tích cực từ công nghệ mang lại và hầu hết công việc trong tương lại sẽ bị ảnh hưởng bởi các công nghệ mới, các công nghệ được sinh ra sẽ chủ yếu liên quan đến STEM.
Tài liệu tham khảo:
https://enternews.vn/nhan-luc-nganh-stem-nhu-cau-lon-nhung-canh-tranh-cao-146003.html