^Back To Top

foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


Get Adobe Flash player

Vừa qua, nghiên cứu mới nhất về đánh giá nguy cơ gãy xương do loãng xương, thực hiện bởi tiến sĩ Hồ Lê Phương Thảo và cộng sự, đã được công bố trên tập san khoa học quốc tế Elife. Đây là một công trình quan trọng, tiên phong trong việc giới thiệu khái niệm mới “Tuổi xương” (skeletal age), đồng thời định nghĩa lại nguy cơ gãy xương có sự kết hợp với nguy cơ tử vong (compound risk). Các tác giả hi vọng công trình này  sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới về loãng xương và tử vong.

Công trình nghiên cứu khoa học mới nhất mang tên “Epidemiological transition to mortality and refracture following an initial fracture” [1] do TS Hồ Lê Phương Thảo - Giảng viên thuộc bộ môn CNTT, khoa Kỹ thuật Công nghệ (Trường Đại học Hà Tĩnh) và cộng sự thực hiện vừa được công bố trên tập san quốc tế uy tín Elife (Q1, impact factor 7.08).  Ý tưởng nghiên cứu bắt nguồn từ việc thực tế cho thấy loãng xương làm giảm tuổi thọ. Bệnh nhân bị gãy xương hông có nguy cơ tử vong cao lên gần gấp 3 lần (nữ) đến ~4 lần (nam). Nguy hiểm hơn,  khoảng 30% bệnh nhân bị gãy xương hông chết  trong vòng 12 tháng, tức là nguy cơ còn cao hơn cả chết do ung thư vú. Do đó cần phải đánh giá  nguy cơ gãy xương do loãng xương và nguy cơ tử vong trong một chỉ số nguy cơ kết hợp (compound risk).  

Nguy cơ gãy xương và tử vong sau gãy xương ở mỗi cá nhân là khác nhau, phụ thuộc vào một số các yếu tố ảnh hưởng. Cụ thể, tuy nữ giới có nguy cơ gãy xương cao hơn nam, nhưng khi đã bị gãy xương thì nam giới chết nhanh hơn nữ. Những bệnh nhân sống sót sau một lần bị gãy xương thì họ có nguy cơ cao sẽ lại bị gãy xương lần 2, lần 3. Tuy nhiên, cho đến nay, các mô hình tiên lượng nguy cơ gãy xương lại chỉ đề cập đến nguy cơ gãy xương lần đầu tiên. Công trình  nghiên cứu của TS Thảo và cộng sự là công trình đầu tiên đề cập đến và hiện thực hóa cách định lượng hoá nguy cơ gãy xương lần 2 hay lần 3, và định lượng nguy cơ tử vong.

Kết quả nghiên cứu được thực hiện trên dự án nghiên cứu đoàn hệ về loãng xương (Dubbo Osteoporosis Epidemilogy Study – DOES) lớn nhất nước Úc. Cụ thể,  dự án theo dõi tình trạng gãy xương, tái gãy xương, tử vong, mật độ xương, và các chỉ số lâm sàng liên quan đến loãng xương của hơn 3500 người già trên 60 tuổi trong vòng hơn 20 năm. Từ các dữ liệu này, các tác giả sẽ biết rõ họ “đi” từ chưa gãy xương đến gãy xương”, từ gãy xương đến tái gãy xương”, từ tái gãy xương đến tử vong, từ đó đã xây dựng mô hình toán học Markov để định lượng hóa những trạng thái dịch chuyển đó cho mỗi cá nhân.

Description: https://iiif.elifesciences.org/lax/61142%2Felife-61142-fig3-v2.tif/full/617,/0/default.jpg

Chú thích: Nguy cơ tử vong ước tính cho nữ (trái) và nam (phải) ở các trạng thái sức khỏe xương khác nhau ( 4 trạng thái):  (1) Không gãy xương(màu xanh lam) ;(2) Gãy xương lần 1 (xanh nhạt); (3) Gãy xương lần 2 (vàng); (4) Gãy xương lần 3 (đỏ).

 

Nguy cơ được ước tính cho nữ và nam có mật độ xương lần lượt là -1.5 T-score và -2.5 Tscore, ở độ tuổi 70 và 80, chỉ số cơ thể trung bình (BMI = 26.6 kg/m2, không có bệnh nền, không té ngã hay tiền sử gãy xương)

 

Từ các tham số của mô hình tiên lượng, các tác giả cũng có thể ước tính được tuổi xương “skeletal age” cho mỗi cá nhân. Cụ thể ở đây, Tuổi Xương được  các tác giả định nghĩa là tuổi sinh học của bộ xương, ứng với các  điều kiện yếu tố nguy cơ gãy xương của một cá nhân. Khi không có yếu tố nguy cơ gãy xương, tuổi xương mặc định là tuổi đời. Tuy nhiên, nếu cá nhân nào có mật độ xương thấp hay từng bị gãy xương (làm tăng nguy cơ gãy xương), thì tuổi xương sẽ “già” hơn tuổi đời. Sự khác biệt giữa tuổi xương và tuổi đời được định lượng dựa trên các yếu tố nguy cơ, do đó phản ánh nguy cơ gãy xương và tử vong sau gãy xương.

Hiện nay, nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học trường Đại học Hà Tĩnh đang tiến hành xây dựng ứng dụng đa nền tảng để online hóa mô hình này, đồng thời làm mới mô hình Garvan Fracture Risk Calculator phiên bản đầu để tương lai cho các bác sĩ khắp nơi sử dụng. Hy vọng rằng kết quả nghiên cứu và ứng dụng online hóa sẽ phần nào giúp việc quản lí, điều trị và phòng ngừa bệnh loãng xương được tốt hơn trong tương lai.

 [1] Đường link của bài báo: https://doi.org/10.7554/eLife.61142