^Back To Top

foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


Get Adobe Flash player

Chuyển đổi số chính là để đáp ứng được yêu cầu mới của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng sáng tạo, tiếp thu nhanh trình độ khoa học công nghệ trên thế giới phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

1. Chuyển đổi số

Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 3/6/2020. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ vào sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số trong giáo dục có thể được hiểu là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện cách thức giảng dạy, học tập, quản lý trong giáo dục. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học cũng là một tất yếu khách quan vì những lý do sau: góp phần tích cực vào việc hỗ trợ thầy cô trong việc giảm tải một số công việc như điểm danh, chấm bài, sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại để làm sinh động bài giảng… Chuyển đổi số giúp cho sinh viên có tài liệu học tập hiệu quả, đang dạng hóa hình thức học tập, cập nhật yêu cầu nhiệm vụ nhanh chóng thuận lợi. Chuyển đổi số còn giúp các nhà quản lý thực hiện công việc một cách thuận tiện, nhanh chóng. Chính vì những lý do đó mà các trường đại học đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định thương hiệu cho bản thân.

2. Mặt tích cực khi chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Thứ nhất, trọng tâm chuyển đổi số trong giáo dục đại học là phát triển các phần mềm ứng dụng, có thể giải quyết các bài toán giảng dạy, học tập và vận hành một trường đại học sao cho hiệu quả hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Hiện nay, việc chuyển đổi số rất thuận lợi vì có rất nhiều công nghệ tốt, hạ tầng tốt, nhân lực tốt, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ... hầu hết là trí thức bậc cao tận tụy với công việc trong các trường đại học một động lực quan trọng cho quá trình chuyển đổi số.

Thứ hai, chuyển đổi số giúp cho người dạy và người học nhanh chóng thích nghi và sử dụng những phương thức mới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong dạy và học, sử dụng công cụ đánh giá và đối sánh chất lượng theo thông lệ quốc tế để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục.

Thứ ba, chuyển đổi số còn giúp các giảng viên xây dựng hệ thống bài giảng B-learning, E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, đề thi, ghi âm, ghi hình bài giảng... góp phần làm sinh động nội dung giảng viên muốn truyền tải đến người học. Chương trình đại học sinh viên phải hoàn thành một khối lượng nội dung khá lớn bao gồm các môn học cung cấp kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành. Môn học nào cũng bao hàm một khối lượng kiến thức khổng lồ. Chuyển đổi số hỗ trợ đắc lực cho giảng viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển từ chủ yếu truyền đạt tri thức sang những phương pháp giảng dạy tích cực, có sử dụng các ứng dụng hiện đại như Prezi, Google drive, Top hat, Pandora,… Những ứng dụng này giúp cho bài giảng thêm sinh động, kết hợp được nhiều cách thức tương tác đến người học khác nhau thông qua nghe, nhìn, cảm nhận, từ đó sinh viên có thể phát huy tối đa các năng lực nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo từ chính phương pháp mà giảng viên cung cấp cho họ. Chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt về thời gian và địa điểm của người học. Các giảng viên có thể sử dụng công nghệ để thiết kế bài giảng E- learning mang nội dung hàn lâm, cũng có thể thiết kế những video dạy nghề, thực hiện thí nghiệm, thực hành, diễn thuyết,… Công nghệ giúp cho tri thức, kinh nghiệm của người thầy không chỉ gói gọn trong khuôn viên trường đại học mà có thể được phổ biến rộng rãi toàn cầu. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người học, vừa tạo thêm những cơ hội về việc làm, thu nhập cho giảng viên.

Thứ tư, chuyển đổi số giúp sinh viên tra cứu tài liệu phục vụ môn học thuận lợi với nguồn dữ liệu khổng từ các sinh viên khác cùng trường hoặc từ các trường đại học khác trên thế giới, kiến thức rất cập nhật và rộng mở, rất tiện lợi về thời gian và không phụ thuộc vào địa điểm. Sinh viên dễ dàng học hỏi nâng cao trình độ đáp ứng và thích nghi nhanh với xã hội. Việc tra cứu kết quả học tập, lịch học, lịch thi, đóng học phi... có thể thực hiện online một cách thuận tiện không mất thời gian công sức của sinh viên. 

Thứ năm, chuyển đổi số giúp áp dụng phần mềm trong quản lý đào tạo, đánh giá, xây dựng ngân hàng câu hỏi, giảng dạy bằng máy chiếu,… song để thực sự khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ, tiếp cận với những tri thức mới cập nhật, vận dụng hiệu quả các phần mềm hỗ trợ giảng dạy và học tập thì các trường đại học cần có mạng Internet rộng khắp, sinh viên và giảng viên cần có thiết bị kết nối, hệ thống nguồn điện, phòng học đồng bộ, môi trường và cơ sở để thực hành… Những điều này đang là thách thức lớn với các trường đại học.

3. Những khó khăn khi chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Thứ nhất, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, làm cho tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề cũng có những thay đổi tất yếu. Giáo dục đại học nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thời đại và sự hội nhập quốc tế, vì vậy cũng phải có những thay đổi nhanh chóng và quyết liệt. Việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức, các trường đại học phải nhận thức được chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là vấn đề trọng tâm trong giai đoạn hiện nay để thực hiện nhanh tạo cơ hội xác lập được vị thế của mình trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, việc nhận thức đúng tầm quan trọng và xu hướng tất yếu của sự phát triển trong giáo dục đại học để triển khai thực hiện nhiệm vụ mới sẽ gặp không ít khó khăn, bởi đây là việc chưa có tiền lệ, khi triển khai những vấn đề mới mẻ thường sẽ vấp phải những sự phản đối, những ý kiến trái chiều nhất là đối với các trường đại học công lập vẫn còn làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân quản lý. Công tác tuyên truyền, phổ biến nhận thức về chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai sâu rộng; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa có sự chuyển biến, chưa hiểu, chưa thấy được hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động điều hành; người dân và doanh nghiệp chưa có nhu cầu và chưa thấy được lợi ích khi tham gia chuyển đổi số.

Thứ hai, thay đổi thói quen cũng là một trong những khó khăn, bởi cả giảng viên, sinh viên và những người quản lý đã quen với môi trường thực nhiều thế kỷ. Chuyển sang môi trường số là thay đổi thói quen mà thay đổi thói quen là việc khó, là việc phải thực hiện lâu dài, thay đổi dần từng bước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số lại là việc cần làm nhanh đầu tiên, phải thay đổi thói quen của những người nắm giữ vị trí lãnh đạo sau đó là các giảng viên và sinh viên.

Thứ ba, nhiều hành vi sai phạm mới cũng xuất hiện cùng với quá trình chuyển đổi số như: tình trạng thiết lập trang web ảo, mạo danh, trang web với những nội dung xuyên tạc, phản động… không hề ít và nội dung thay đổi từng ngày, từng giờ khiến cho giảng viên cũng rất khó kiểm soát. Các thông tin bảo mật về đề thi, thông tin cá nhân, tài khoản của giảng viên luôn đứng trước những nguy cơ bị hack. Nhiều câu chuyện liên quan đến giảng viên bị phản ánh sai sự thật, lan truyền trên mạng một cách thiếu kiểm soát gây ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công việc và đời sống của giảng viên. Những chiêu trò lừa đảo, những vụ ăn hiếp, bắt nạt trên mạng, những trang của các nhóm hận thù và những trang của các nhóm khủng bố cũng xuất hiện. Việc tìm kiếm thông tin dễ dàng nhưng mỗi lần tìm kiếm có thể hiển thị hàng triệu, hàng tỷ kết quả khác nhau khiến cho sinh viên không biết nên lấy tài liệu từ nguồn nào. Giảng viên phải làm nhiệm vụ định hướng cho sinh viên, họ cũng phải dành thời gian truy cập, tìm kiếm thường xuyên để cập nhật thông tin và hướng dẫn cho sinh viên những trang web nào cung cấp tài liệu đáng tin cậy.

4. Một số giải pháp

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của tất cả các trường đại học với công tác chuyển đổi số; đồng thời, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho sinh viên khi tham gia chuyển đổi số. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của trường, Bộ Giáo dục và của Nhà nước về công tác chuyển đổi số.

Sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý cần thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, khả năng ngoại ngữ để có thể nắm bắt và áp dụng công nghệ thành công trong giảng dạy và chuyển đổi số.

Các trường đại học cần đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ công cuộc chuyển đổi số một cách nhanh chóng, thuận lợi. Xây dựng các giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, hệ thống an toàn, an ninh mạng (SOC) phục vụ tốt cho việc lưu trữ và bảo mật cơ sở dữ liệu, tránh nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp cơ sở dữ liệu... tại các trường đại học.

Nhà nước cần có chính sách quan tâm, hỗ trợ, đầu tư giúp cho các trường đại học chuyển đổi số một cách thuận lợi. Hoạt động chuyển đổi số hiện nay vẫn còn đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa có sự đồng bộ cả về lộ trình, cách thức, phương pháp. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính…, tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học thực hiện chuyển đổi số nhanh nhất và thuận lợi nhất.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành các trường đại học, thực thi công việc theo hướng khuyến khích, sẵn sàng ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới trong quá trình chuyển đổi số. Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp trong tiến trình chuyển đổi số, thực hiện tốt việc bảo vệ sở hữu trí tuệ... để khuyến khích các trường đạo học, đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, đồng thời tạo động lực cho các chuyên gia công nghệ thông tin, nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số.

Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các trường đại học để phục vụ quản lý điện tử trên hạ tầng nền tảng điện toán đám mây; thực hiện quy chế chia sẻ thông tin qua hệ thống mạng giữa các trường đại học trong và ngoài nước. Hình thành Trung tâm thông tin và dự báo xu hướng phát triển của giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, điều hành công việc, các ứng dụng nghiệp vụ quản lý. Đồng bộ số hóa dữ liệu trong các hoạt động của các trường đại học đầy đủ thông tin phục vụ người học và các hoạt động chung của nhà trường.

Phải có giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số. Xây dựng và vận hành có hiệu quả Trung tâm điều hành An ninh mạng (SOC). Phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý. Đưa kết quả triển khai chuyển đổi số thành chỉ tiêu đánh giá của các ngành, các cấp và cán bộ, công chức.

Chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng có vai trò then chốt trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy, tận dụng những cơ hội, đồng thời khắc phục những khó khăn thách thức thì quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học mới diễn ra thuận tiện và hiệu quả hơn.