^Back To Top
1. Giới thiệu về Python
1.1. Python là gì?
Python là ngôn ngữ lập trình bậc cao hướng đối tượng, được tạo ra từ năm 1991 bởi Guido van Rossum cùng các cộng sự. Ngôn ngữ Python là một ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở, đa nền tảng, dễ học dễ đọc. Python có cấu trúc rõ ràng, thuận tiện cho người mới học lập trình. Đây là ngôn ngữ lập trình thông dịch, có thể chạy trên nhiều hệ điều hành khác nhau như: Windows, Mac OS, OS/2, Linux và các hệ điều hành thuộc họ Unix.
Hình 1. Biểu tượng Python
Python là ngôn ngữ hỗ trợ nhiều mẫu đa lập trình khác nhau như: mệnh lệnh, lập trình hướng đối tượng, lập trình hàm,… được dùng đa lĩnh vực: web, 3D CAD,….
Python có đa dạng thư viện hỗ trợ, nhiều tài liệu để học và nhiều đơn vị ứng tuyển ngôn ngữ Python. Đây là một trong những bước tiến trong ngành lập trình và thách thức mọi lĩnh vực công nghệ cần đến code. Nó được sử dụng trong mọi thứ, từ học máy đến xây dựng trang web và kiểm thử phần mềm.
Ngôn ngữ lập trình Python thuộc Top 10 ngôn ngữ lập trình trên thế giới hiện nay. Đặc biệt là ngôn ngữ này đang có xu hướng tăng mạnh với cộng đồng người học, người làm rất lớn. Google, Facebook, Instagram hiện đang dùng Python để lập trình cho các dự án lớn nhỏ của mình.
1.2. Một số đặc điểm nổi bật của Python
Đơn giản, dễ học: Python có cú pháp đơn giản, rõ ràng, dễ đọc và viết hơn các ngôn ngữ lập trình như C, C++, Java, C#, PHP... Người lập trình không bị gò bó tập trung vào cú pháp.
Miễn phí, mã nguồn mở: Có thể tự do sử dụng và phân phối mã chương trình Python. Có cộng đồng người dùng rất lớn dễ dàng hỗ trợ.
Python có tính linh hoạt cao: Các chương trình Python có thể chuyển từ hệ điều hành này sang hệ điều hành khác mà không cần bất kỳ thay đổi nào.
Khả năng mở rộng và khả năng nhúng: Dễ dàng kết hợp các khối, mã lệnh bằng C, C++ và những ngôn ngữ khác (có thể gọi được từ C) vào một chương trình Python.
Ngôn ngữ thông dịch cấp cao: Python là một ngôn ngữ thông dịch, điều này nghĩa là ngôn ngữ này trực tiếp chạy từng dòng mã. Nếu có lỗi trong mã chương trình, nó sẽ ngừng chạy. Do đó, lập trình viên có thể nhanh chóng tìm ra lỗi trong đoạn mã. Chương trình dịch của Python sẽ tự động dọn dẹp, giải phóng bộ nhớ sau khi hoàn thành chương trình.
Thư viện ứng dụng lớn giúp giải quyết các công việc phổ biến: Python có một số lượng lớn các thư viện tiêu chuẩn hỗ trợ công việc lập trình rất lớn.
Hướng đối tượng: Python hỗ trợ người dùng phương pháp lập trình hướng đối tượng.
2. Cài đặt Python
2.1. Cài đặt trên máy tính
Bước 1: Truy cập liên kết: https://www.python.org/downloads/ để python tải xuống máy tính.
Hình 2. Dowload Python
Bước 2: Nháy vào Download
Bước 3: Tìm Python đã cài trong cửa số Start => chọn IDLE => xuất hiện cửa sổ Shell, cho phép viết và thực hiện ngay các biểu thức hoặc câu lệnh.
Python IDE là gì?
Môi trường phát triển tích hợp (IDE) là phần mềm cung cấp cho các nhà phát triển công cụ duy nhất họ cần để viết, chỉnh sửa, kiểm tra và gỡ lỗi mã.
Môi trường phát triển và học hỏi tích hợp (IDLE) là Python IDE được cài đặt theo mặc định. Nó chỉ được phát triển với Python bằng bộ công cụ Tkinter GUI và cung cấp các tính năng sau:
- Hoạt động trên nhiều hệ điều hành như Windows, Unix và macOS.
- Cung cấp một cửa sổ shell để chạy các lệnh và hiển thị kết quả.
- Cung cấp trình soạn thảo văn bản trên nhiều cửa sổ với khả năng đánh dấu cú pháp mã và hoàn thành mã tự động.
- Có trình gỡ lỗi riêng.
Cài đặt Python trên MAC OSX: Python có phân chia sẵn các ứng dụng cho các dòng Mac khác nhau. Chẳng hạn như: MacOS 10.2 (Jaguar), Mac OS 10.3 (Panther) hoặc Mac OS 10.4 (Tiger) và Mac OS 10.5 (Leopard). Tìm link Python tương ứng với máy Mac để tải về và cài đặt.
2.2. Cài đặt trên điện thoại
Bước 1: Vào CHPlay (đối với hệ điều hành Android) hoặc App Store (đối với hệ điều hành IOS).
Bước 2: Tìm kiếm Python3 (đối với hệ điều hành Android) hoặc Python3IDE (đối với hệ điều hành IOS) và cài đặt.
3. Một số thư viện và framework Python
3.1. Thư viện Python
Matplotlib: thư viện giúp hiển thị dữ liệu dưới dạng đồ họa (2D và 3D) cho các ứng dụng khoa học máy tính
Pandas: thư viện giúp đọc, ghi, xử lý dữ liệu cho các tác vụ phân tích dữ liệu và machine learning
NumPy: thư viện giúp thực hiện các phép toán đại số tuyến tính
Requests: thư viện cung cấp các hàm hữu ích cho việc phát triển Web
OpenCV: thư viện cho các tác vụ liên quan đến xử lý ảnh
Keras: thư viện mạng Neural cho việc xử lý dữ liệu
3.2. Một số Framework Python
Django: framework fullstack phát triển ứng dụng Web trên quy mô lớn
Flask: framework micro để phát triển các ứng dụng Web nhỏ
TurboGears: framework phát triển Web
Apache MXNet: framework xây dựng các ứng dụng Deep Learning
Pytorch: framework xây dựng dựa trên thư viện Torch giúp xây dựng các ứng dụng NLP, xử lý ảnh, …
Như vậy, từ những điều trên chúng ta có thể tự trả lời đc câu hỏi tại sao nên chọn Python. Đi theo xu thế, học ngôn ngữ lập trình Python mà cả thế giới đều cần. Đây là cơ hội để trở thành một lập trình viên xuyên quốc gia. Dù là Freelancer hay ứng tuyển vào công ty nước ngoài thì cơ hội thành công của bạn cũng cao hơn!