^Back To Top

foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


Get Adobe Flash player

Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Công nghiệp và của ngành xây dựng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm vừa qua, phát triển VLXD đã được thực hiện theo quy hoạch cả về chủng loại, số lượng và chất lượng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Sản xuất VLXD đồng thời cũng là giải pháp hiệu quả để xử lý khối lượng lớn chất thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt góp phần bảo vệ môi trường.

Mặc dù, ngành VLXD những năm qua đã đạt được mốt số bước tiến nhất định, song sản xuất VLXD của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập phải được nghiên cứu khắc phục như: việc đầu tư phát triển sản xuất đối với một số chủng loại VLXD còn chưa hợp lý, quy mô còn nhỏ và phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao, việc nghiên cứu phục hồi môi trường sau khai thác các khoáng sản  làm VLXD chưa được chú trọng, công nghệ sản xuất VLXD ở một số lĩnh vực còn lạc hậu so với trình độ hiện nay ở khu vực và thế giới, đòi hỏi phải được thay thế, đổi mới, nhân lực kỹ thuật được đào tạo bài bản trong lĩnh vực sản xuất VLXD còn mỏng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành.

Mặt khác, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức như: công tác dự báo còn bất cập, công nghệ sản xuất trong một số lĩnh vực còn lạc hậu, vẫn còn tình trạng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường… Vì vậy, trong thời gian tới, ngành vật liệu xây dựng phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời tăng dần xuất khẩu, phát triển đa dạng các sản phẩm, trong đó có các loại vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường.

Bối cảnh quốc tế hiện nay cho thấy nền kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 3,2%/năm trong giai đoạn 2025-2035, trong đó hội nhập thương mại, đô thị hóa và tiến bộ công nghệ sẽ là lực đẩy chính. Xu thế phát triển VLXD trên thế giới gắn liền với ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tận thu các loại phế thải công nghiệp, giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều chủng loại sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng bao gồm các loại VLXD tiết kiệm năng lượng, VLXD xanh, có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, vượt xa VLXD truyền thống. Phát triển VLXD thế giới đồng thời cũng chịu tác động mạnh mẽ của các xu thế về đổi mới công nghệ theo cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các tiến bộ về công nghệ số, người máy hiện đại, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật. Việt Nam hiện đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vì vậy phát triển VLXD nước ta chịu tác động của các xu thế tiến bộ VLXD, tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới là tất yếu.

Trong thời gian tới, phát triển VLXD của nước ta cần phải đảm bảo tuân thủ các định hướng lớn về phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc gia, chủ động hội nhập quốc tế, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, carbon thấp vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2050. Đồng thời, phát triển VLXD nước ta trong thời gian tới cần phải gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các Chiến lược phát triển các lĩnh vực khác đã được Chính phủ ban hành.

Quan điểm của Chiến lược là: phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, gắn sản xuất vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh sản xuất các chủng loại VLXD có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về đầu tư

Ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng mới, các dự án công suất lớn ở các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông, gần thị trường tiêu thụ; các dự án đầu tư mở rộng; các cơ sở chuyên chế biến nguyên liệu theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển cơ khí chế tạo cho công nghiệp vật liệu xây dựng.

Không đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng ở các vùng ảnh hưởng đến khu bảo tồn, di sản văn hóa, phát triển du lịch, an ninh quốc phòng.

Không đầu tư, hoặc chuyển nhượng dự án sản xuất vật liệu xây dựng cóc yếu tố nước ngoài ở khu vực ảnh hướng đến an ninh quốc phòng.

Về công nghệ

Sử dụng công nghệ tiên tiến với mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao vào sản xuất, từng bước áp dụng công nghệ 4.0 tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Khuyến khích các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư chiều sâu, nâng cấp công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị, phụ tùng thay thế trong dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng.

Về sử dụng tài nguyên

Khai thác, quản lý sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định pháp luật; bảo vệ cảnh quan môi trường; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và an ninh quốc phòng.

Về môi trường

Các dự án phải được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nồng độ khí thải, nồng độ bụi, chất thải rắn, nước thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và đảm bảo đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy định.

Về sản phẩm

Phát triển đa dạng chủng loại và mẫu mã sản phẩm, chú trọng phát triển các sản phẩm có tính năng mới, có giá trị kinh tế cao, sản phẩm thích ứng biến đổi khí hậu; đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một số sản phẩm có lợi thế và có tính cạnh tranh cao.

Mục tiêu phát triển

Thời kỳ 2021-2030: đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng có quy mô, công suất lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu; đầu tư phát triển các sản phẩm có năng lực cạnh tranh, thân thiện với môi trường; đa dạng chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao; phát triển các sản phẩm phù hợp cho công trình biển đảo, bên trong các môi trường xâm thực, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời kỳ 2031-2050: sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ xanh, áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ internet kết nối vạn vật vào quản lý và sản xuất đáp ứng các nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có gia trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh.

Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 là công cụ quan trọng để định hướng phát triển VLXD nước ta theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế-xã hội, tiết kiếm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, bảo vệ môi trường. Chiến lược được ban hành động thời sẽ là căn cứ để để xây dựng các kế hoạch thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác đầu tư xây dựng; cải tạo, nâng cấp, loại bỏ các cơ sở sản xuất VLXD và kiểm soát chất lượng các sản phẩm VLXD trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1.  Chính phủ (2020), Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng chính phủ v/v Phê duyệt Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

2. http://moc.gov.vn/vn/tintuc/1173/63042/pho-thu-tuong-trinh-dinh-dung-chu-tri-buoi-lam-viec-ve-chien-luoc-phat-trien-vat-lieu-xay-dung-viet-nam-thoi-ky-2021--2030--dinh-huong-den-nam-2050.aspx