^Back To Top
Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu trường Đại học Hà Tĩnh, đồng thời thực hiện theo kế hoạch của năm học 2019-2020, chiều ngày 18/11/2019, Khoa Kỹ thuật -Công nghệ, Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo khoa học tháng 11.
Đây là hoạt động chuyên môn quan trọng trong công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học của Khoa Kỹ thuật – Công nghệ nói riêng cũng như của Trường Đại học Hà Tĩnh nói chung. Đến tham dự và chỉ đạo hội thảo có TS. Nguyễn Sỹ Minh - Trưởng khoa Kỹ Thuật - Cộng nghệ, cùng toàn thể các giảng viên trong Khoa.
TS. Nguyễn Sỹ Minh - Trưởng khoa chủ trì hội thảo
Khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Sỹ Minh đã điểm lại tầm quan trọng, ý nghĩa của NCKH đối với mỗi cán bộ giảng dạy Đại học và khẳng định, chủ trương để các Khoa tổ chức hội thảo khoa học hàng tháng của BCH Đảng bộ, BGH nhà trường là nét mới nhằm tăng cường công tác NCKH trong thời kỳ mới. Để làm tốt nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của mỗi cán bộ, giảng viên.
Hội thảo đã diễn ra nghiêm túc, có chất lượng với 03 báo cáo về các lĩnh vực Công nghệ thông tin và xây dựng. Mở đầu hội thảo là bài báo cáo với đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật tìm kiếm toàn văn trên văn bản tiếng Việt” của Th.S Phan Thị Gấm, đây là bài báo có ý nghĩa về thực tiễn rất cao trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Tác đã nghiên cứu cơ sở lý thuyết và đưa ra phương pháp cài đặt ứng dụng Vn Tokenizer để phục vụ cho ứng dụng tìm kiếm toàn văn trên văn bản tiếng Việt.
Th.S Phan Thị Gấm trình bày báo cáo
Tiếp theo của hội thảo là bài báo cáo về lĩnh vực xây dựng với đề tài “Nghiên cứu gia cường cho dầm bê tông cốt thép bị ăn mòn bằng bê tông cốt sợi” của Th.S Trần Văn Bình. Ăn mòn cốt thép trong bê tông và khắc phục sự cố do ăn mòn cốt thép gây ra là một trong các hướng nghiên cứu ưu tiên trong xu thế phát triển bền vững. Việc nghiên cứu giải pháp công nghệ sửa chữa, gia cường để duy trì và phục hồi sự làm việc bình thường của kết cấu công trình bê tông cốt thép là một yêu cầu cấp thiết. Trong bài viết, tác giả đã nghiên cứu mô phỏng về bê tông cốt thép bị ăn mòn được gia cường bằng bê tông cốt sợi cường độ cao. Dầm bê tông cốt thép gia cường bằng bê tông cốt sợi cường độ cao được mô phỏng bằng phương pháp phần tử hữu hạn, có sử dụng đến sự hỗ trợ của phần mềm ATENA. Dầm bê tông cốt thép bị ăn mòn, được nghiên cứu để tìm vị trí và kích thước lớp gia cường vừa đủ cho sự phục hồi hoàn toàn dầm bị ăn mòn. Các trường hợp gia cường khác nhau được đánh giá và phân tích thông qua quá trình phân tích tải trọng-chuyển vị của dầm. TS Nguyễn Sỹ Minh đã nhận định đây là một bài báo rất ý nghĩa về mặt thực tiễn và áp dụng nhiều vào thực tế, tuy nhiên tác giả cần bổ sung một số so sánh, một số nội dung nữa để phát triển bài báo thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cao hơn.
Bài báo cáo của Th.S Trần Văn Bình
Báo cáo cuối cùng là đề tài “Mã hoá nhúng khối với cắt xén tối ưu hóa” của Th.S Bùi Thị Thu Hoài. Hiện nay, mã hóa nhúng khối với cắt xén tối ưu hóa EBCOT là một Wavelet dựa trên thuật toán mã hóa có khả năng nhúng nhiều tính năng cao cấp trong một dòng bit đơn trong khi trình bày hiệu suất nén tiên tiến. Do thiết lập các tính năng phong phú của mình, thực hiện độ phức tạp tính toán khiêm tốn và hiệu suất nén tuyệt vời, thuật toán EBCOT đã được phát triển thông qua tiêu chuẩn mã hoá ảnh tĩnh dưới tên là JPEG2000. Vì vai trò quan trọng của EBCOT trong chuẩn nén JPEG2000, tác giả đã tìm hiểu một số chi tiết kỹ thuật mã hóa này.
Sau hơn 2 giờ làm việc nghiêm túc, hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, các tác giả nhận được rất nhiều câu hỏi phản biện, nhiều ý kiến đóng góp, quá trình thảo luận diễn ra sôi nổi, đưa lại nhiều điều bổ ích, giúp các tác giả hoàn thiện nghiên cứu của mình. Sau Hội thảo, Khoa đã tổ chức rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch cho hội thảo các tháng tiếp theo./.