^Back To Top
Khái niệm Tutor môn học (hay còn gọi là trợ giảng, cố vấn môn học) rất quen thuộc, thậm chí là hiển nhiên trong các trường đại học trên thế giới. Theo đó, mỗi môn học, ngoài giảng viên chính, sẽ có từ một đến vài Tutor tham gia trợ giúp sinh viên theo học bằng các hình thức như: giải đáp thắc mắc về bài giảng, giải thích, hướng dẫn, xem xét, đánh giá, và trợ giúp sinh viên làm bài tập, thực hành, cũng như ôn thi. Ngoài giờ phụ đạo qui định bởi nhà trường, sinh viên có thể liên lạc với Tutor thông qua Email, điện thoại, hoặc gặp gỡ bất cứ lúc nào thuận tiện cho cả hai.
Trên tình hình thực tế, Khoa KT-CN là một trong những khoa có nhiều môn học chuyên ngành khó, yêu cầu về trình độ nền lẫn khả năng sử dụng tiếng Việt rất cao, trong khi phần lớn sinh viên lại đến từ nước Lào nên hiệu quả trong giảng dạy còn nhiều hạn chế. Cụ thể, các từ chuyên ngành các em sinh viên Lào thực sự chưa hiểu rõ, nên nhiều lúc không bắt kịp bài giảng. Kiến thức toán phục vụ tin học cũng dưới mặt bằng chung so với sinh viên Việt, thêm vào đó là sự e ngại, thụ động của sinh viên khiến việc dạy và học còn gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, cùng với các giải pháp khác, thiết nghĩ nên có sự trợ giúp học tập đối với sinh viên từ Tutor môn học. Tutor môn học có thể là sinh viên của trường hoặc giáo viên trẻ mới vào nghề. Việc tuyển chọn Tutor môn học sẽ dựa trên kết quả học tập của môn học đăng ký hướng dẫn, nhận xét của giảng viên chính và cán bộ điều phối môn học, cân nhắc thêm kỹ năng giao tiếp và truyền đạt.
Hình ảnh tutor và nhóm sinh viên (nguồn Internet)
Ling Chen (trái) – Bạn học, lại là Tutor môn Relational Database của tôi tại trường University of Queensland
Với Tutor môn học, giảng viên sẽ không cần phải dạy thật kỹ và dừng tiến độ giảng dạy trong mỗi tiết học để kèm cặp từng sinh viên yếu kém nữa. Thay vào đó, vào giờ phụ đạo và thời gian khác, Tutor môn học sẽ củng cố kiến thức và trợ giúp cụ thể đến các em. Thậm chí, với sự nhiệt tình, gần gũi, và thân thiện do cùng trang lứa, các em dễ dàng truyền tải được kiến thức và kinh nghiệm học tập cho nhau, giúp nhau tiến bộ hơn.
Mặt khác, thông qua việc hướng dẫn người khác, các sinh viên khá giỏi cũng sẽ có cơ hội rèn luyện kỹ năng và nâng cao kiến thức của mình, đồng thời vượt qua thử thách truyền đạt thông tin trước đám đông. Các em sẽ được tham gia các khóa học về các kỹ năng giao tiếp, truyền đạt (hướng dẫn, lắng nghe, thu nhận, và phản hồi thông tin). Mỗi sinh viên/giáo viên có thể làm tutor cho nhiều môn học tùy thời gian và khả năng của mình, và được thanh toán một khoản tiền theo qui định tùy đánh giá, phản hồi của sinh viên cuối môn học đó để trang trải thêm vào chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Tôi tin rằng, mô hình Tutor môn học sẽ được nhà trường, Khoa KT-CN, giảng viên, và sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh đón nhận và thực hiện nhiệt tình. Đây không chỉ là cơ hội cho sinh viên mới, sinh viên yếu, sinh viên nước ngoài có thêm sự trợ giúp ngoài sách vở, thầy cô, mà còn là cơ hội giúp đỡ các sinh viên khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn có thêm thu nhập, rèn luyện các em trưởng thành hơn không chỉ ở sự tự tin trong cách biểu đạt và truyền tải, mà còn cả kỹ năng sống và cống hiến với tấm lòng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau./.