^Back To Top

foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


Get Adobe Flash player

Có rất nhiều điều thú vị khi thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học mà chúng ta có thể kể  tới như: vận dụng các kiến thức được học sát thực tế hơn, đặt bản thân vào các tình huống cụ thể, các vướng mắc thường gặp trong cuộc sống có liên quan đến đề tài đang xây dựng. Sinh viên cần nhớ lại các kiến thức đã học, tìm nhiều nguồn tài liệu khác nhau, đi sâu vào vấn đề đang nghiên cứu bằng cách phân tích, thu thập số liệu, điều tra thực tế và phát hiện ra những cái mới, cái hay trong đề tài của mình, từ đó giúp nâng cao, mở rộng thêm vốn kiến thức, mang lại những kinh nghiệm quý báu cho công việc chuyên môn sau này. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều này, xuất phát từ thực tế hiện nay là có nhiều sinh viên mặc dù đã có ít nhiều ý tưởng về việc tham gia nghiên cứu khoa học nhưng vì những lý do như: mất nhiều thời gian, tốn công sức, hay sợ kiến thức không đủ để đi đến hết chặng đường nên đã không đăng ký thực hiện. Những vấn đề đó thực sự không là gì nếu sinh viên nhận thấy được giá trị và lợi ích to lớn mà nó mang lại.

Khi cùng nhau tự làm một đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên sẽ học được cách đặt mục tiêu, xây dựng kế hoạch, phân tích dự án, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm, trình bày các bản báo cáo, trình chiếu … giúp hình hành nên các kỹ năng như viết nội dung cho các đề tài trong tương lai, kỹ năng tư duy logic một cách tự nhiên, làm việc theo nhóm, trình bày trước đám đông, kỹ năng lắng nghe khi người khác nhận xét về bản thân, nâng cao khả năng đối đáp, xoay sở trong các tình huống bất ngờ do giám khảo đặt ra và rất nhiều điều bổ ích khác nữa…

Sinh viên Trần Đình Lãm trong buổi thuyết trình đề tài NCKH cấp khoa

Sinh viên Trần Đình Lãm trong buổi thuyết trình đề tài NCKH cấp khoa

Mọi rào cản về việc phải hoàn thành bài tập các chương hay nhớ các bài giảng sẽ không còn, cái duy nhất khiến sinh viên phải suy nghĩ là làm sao cho đề tài của mình có thể ứng dụng được, có ích cho nhiều người, vì vậy sinh viên sẽ tích cực, chủ động  hơn trong việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu của mình, nhìn thấy được những yêu cầu từ thực tế mà ngành nghề mình đang thiếu, từ đó điều chỉnh phương pháp học tập để lĩnh hội những kiến thức cần thiết và định hướng tốt hơn cho tương lai phía trước. Đặc biệt đối với sinh viên năm cuối, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học gần với đề tài khóa luận tốt nghiệp sẽ là một cơ hội học hỏi đúc rút kinh nghiệm, rèn luyện bản thân, hoàn thiện các kỹ năng,có được sự chuẩn bị tốt nhất để bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp của mình.

Việc bắt tay vào làm một đề tài nghiên cứu khoa học tất nhiên sẽ phải gặp những khó khăn, thử thách, nhưng đằng sau đó là những thành quả tuyệt vời chỉ có thể có được thông qua nghiên cứu khoa học. Là sinh viên khoa Kỹ Thuật – Công nghệ Trường Đại học Hà Tĩnh, chúng tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi trong quá trình nghiên cứu khoa học luôn được sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của Ban giám hiệu cũng như các thầy cô, các bạn trong Khoa. Điển hình là đề tài “Từ điển Việt Lào” của tôi và một bạn Lào trong năm học 2012 – 2013 vừa qua, chúng tôi đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, qua đó học hỏi được rất nhiều kiến thức chuyên môn sâu, và nhiều kinh nghiệm quý báu.

Thông qua bài viết, chúng tôi mong muốn các bạn là sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh hãy thật nỗ lực trong học tập hơn nữa để có nền tảng vững chắc qua đó làm hành trang tốt nhất lúc ra trường. Để có thể thu hoạch những gì tinh túy nhất của kiến thức đại học thì các bạn hãy mạnh dạn đề xuất đề tài và trực tiếp tham gia công tác nghiên cứu khoa học cũng như đề xuất các sáng kiến đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục.  Bởi vì, bên cạnh chúng ta luôn là các giảng viên đầy tâm huyết, luôn biết lắng nghe, luôn tạo điều kiện thuận lợi cũng như đóng góp những ý kiến quý báu để chúng ta hoàn thành được mục tiêu đúng kế hoạch đề ra. Vì vậy, đừng ngần ngại khi có ý tưởng và hãy bắt tay vào làm ngay bằng tất cả nhiệt huyết và niềm đam mê của tuổi trẻ các bạn nhé...