^Back To Top
Quý cuối cùng của năm 2022 đã có nhiều quyển sách mới của NXB Xây dựng được phát hành. Sau đây là ba trong số những quyển đó do các giảng viên Bộ môn xây dựng lựa chọn.
Sách: “Sổ tay tính toán kết cấu công trình”
Cuốn sách gần như tóm lại cơ bản các công thức, các nội dung chính trong tính toán kết cấu của Sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng được học ở các trường Đại học trong nước dựa trên các Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành. Đây là một tài liệu tham khảo thiết thực cho sinh viên các trường đại học ngành xây dựng cũng như các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các nhà thầu xây dựng.
Cuốn sách gồm 4 phần chính: i/ Đặc trưng hình học của VLXD; ii/ Tải trọng và tác động; iii/ Tính toán kết cấu công trình; iv/ Tính toán nền móng công trình. Bên cạnh đó là 08 phụ lục ở cuối sách để có thể tra các hệ số, các ví dụ minh họa đơn giản dễ hiểu… Người đọc có thể phần nào ôn tập lại kiến thức tính toán công trình kết cấu bê tông cốt thép (hay kết cấu thép).
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên trong xây dựng QCVN 02 :2022/BXD
Là một quy chuẩn có tính pháp lý rất cao đã được chính thức ban hành kèm theo thông tư 02/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 26/9/2022. Thông tư này có hiệu lực sau 06 tháng kể từ ngày ban hành.
Ngoài 02 phụ lục, Quy chuẩn này gồm 7 phần chính bao gồm: i/ Quy định chung; ii/ Số liệu khí hậu dùng trong Xây dựng; iii/ Số liệu thời tiết và hiện tượng tự nhiên bất lợi; iv/ Số liệu mật độ sét đánh; v/ Số liệu gió dùng trong thiết kế; vi/ Số liệu động đất dùng trong thiết kế; vii/ Tổ chức thực hiện.
Ở đây, có một vấn đề cần lưu ý đối với kỹ sư xây dựng, giảng viên xây dựng, đơn vị tư vấn thiết kế và các bên liên quan là việc tính toán kết cấu các công trình xây dựng từ tháng 3/2023 cần phải lưu ý bắt buộc sử dụng quy chuẩn này nhất là trong quá trình tính toán tải gió và động đất...
3/ Optimal design methods – Các phương pháp thiết kế tối ưu
Sách: Optimal design methods – Các phương pháp thiết kế tối ưu
Cuốn sách do tác giả Lê Hồng Quân (chủ biên), Phạm Văn Uy và Trịnh Bích Ngọc biên soạn. Cấu trúc của sách gồm 9 chương: Chương 1. Giới thiệu chung về thiết kế tối ưu; Chương 2. Các phương pháp tối ưu hóa không ràng buộc; Chương 3. Các phương pháp tìm kiếm để giải các bài toán cực tiểu hóa không ràng buộc; Chương 4. Các phương pháp gián tiếp để giải các bài toán có ràng buộc; Chương 5. Qui hoạch tuyến tính; Chương 6. Các phương pháp trực tiếp để giải các bài toán có ràng buộc; Chương 7. Giới thiệu về phương pháp thuật giải di truyền; Chương 8. Phương pháp các khái niệm xấp xỉ; Chương 9. Giới thiệu về chương trình vẽ đường đồng mức.
Sách được biên soạn bằng tiếng Anh với mục đích làm giáo trình, tài liệu tham khảo cho sinh viên Đại học. Kiến thức về lý thuyết của mỗi phương pháp thiết kế tối ưu được trình bày ngắn gọn, súc tích có kèm theo các ví dụ cụ thể để minh họa. Đối với các phương pháp phức tạp ngoài các ví dụ còn có thêm các sơ đồ khối và các chương trình máy tính được lập trình bằng ngôn ngữ lập trình hiện đại và phổ biến hiện nay là C++ nhằm giúp cho các bạn đọc rèn luyện kỹ năng cũng như thấu hiểu được bản chất của từng phương pháp sau khi tìm hiểu. Ngoài ra một số thuật ngữ kỹ thuật trong sách cũng được giải thích bằng tiếng Việt để giúp bạn đọc có thể nhanh chóng hiểu được các nội dung của các phương pháp thiết kế tối ưu./.