^Back To Top

foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


Get Adobe Flash player

Khoa Kỹ thuật – Công nghệ là một Khoa có nhiều sinh viên Lào theo học. Theo số liệu thống kê từ phòng Quản lý học sinh – sinh viên, tỷ lệ sinh viên Lào có việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học Hà Tĩnh rất cao. Trò chuyện với Xủ Li Tà Xón Xắc Xít, cựu sinh viên khóa 1 - Khoa Kỹ thuật – Công nghệ để chia sẻ cảm nhận của lưu học sinh Lào khi theo học tại trường Đại học Hà Tĩnh.

Xủ Li Tà Xón Xắc Xít hiện đang là cán bộ Thuế của phòng Tài chính huyện Bô Li Khăn, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, là một trong 32 lưu học sinh (LHS) Lào đầu tiên theo học tại trường Đại học Hà Tĩnh (ĐHHT). Nói về những khó khăn khi sang Việt Nam theo học đại học, Tà cho biết: Trở ngại lớn nhất khi sang Việt Nam theo học là bất đồng về ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa, đó là vấn đề mà các bạn LHS Lào lo lắng nhất. Tuy nhiên, tại trường ĐHHT ngay từ giai đoạn học tiếng Việt, lớp học của Tà đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhà trường và các thầy cô giáo. Mặc dù là những LHS Lào đầu tiên theo học tại trường, nhưng Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trường ĐHHT đã nhanh chóng thành lập đội tình nguyện giúp đỡ các bạn LHS Lào nên việc học tập tiếng Việt hiệu quả hơn, có nhiều buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhiều chuyến tham quan giúp các bạn hiểu biết sâu sắc về văn hóa địa phương.

t5 g1

Hình 1. Xủ Li Tà Xón Xắc Xít - cán bộ Thuế của phòng Tài chính huyện Bô Li Khăn

Sau khi có chứng chỉ tiếng Việt, phần lớn LHS Lào tiếp tục chọn trường ĐHHT để học chuyên ngành bởi trong thời gian học tiếng Việt, trường đã tạo cho các bạn sự gắn bó và thực sự yên tâm với môi trường đào tạo tại đây. Tà và bốn LHS Lào khác nộp đơn học ngành Công nghệ thông tin (CNTT) một ngành học khá mới với các bạn LHS Lào thời điểm đó. Quyết định này xuất phát chính quá trình học tập tại Hà Tĩnh, được biết trường có hệ thống phòng thực hành; các phần mềm quản lý;  hệ thống bài giảng điện tử và phương pháp dạy học mới với các thiết bị hiện đại, … điều này thôi thúc sự học hỏi công nghệ mới để ứng dụng tại đất nước Lào của Tà và các bạn.

t5 g2

Hình 2. Các bạn sinh viên Lào khóa 1 ngành CNTT

Học chuyên ngành là một thử thách lớn đối với Tà và các bạn sinh viên Lào bởi có nhiều môn học khó, nhiều kiến thức mới. Tà chia sẻ: Những buổi đầu, em và các bạn sinh viên Lào hầu như không hiểu bài bởi có quá nhiều từ mới, từ chuyên ngành, cảm giác lúc đó vừa nản vừa sợ. Nhưng may mắn, các thầy cô sớm nhận ra sự lúng túng của bọn em và có hướng xử lý thích hợp. Ngoài những giờ học chính khóa, sinh viên Lào được các thầy cô phân theo các tổ nhóm có sinh viên Việt Nam kèm cặp và sau ba buổi lên lớp thì thầy cô sẽ có một buổi củng cố kiến thức riêng cho sinh viên Lào khiến cho việc học có hiệu quả hơn. Ngoài những kiến thức chuyên ngành, học tại trường ĐHHT còn trang bị cho sinh viên Lào rất nhiều kiến thức bổ ích về cuộc sống. Nên các bạn LHS Lào học hỏi được rất nhiều điều tốt đẹp từ văn hóa Việt Nam, điều này rất hữu ích cho quá trình sống và lập nghiệp tại Lào. Nhờ vậy, mà cả nhóm sinh viên Lào học ngành CNTT không những có kiến thức chuyên môn vững mà kiến thức trong cuộc sống rất dồi dào, sau khi tốt nghiệp đều dễ dàng tìm được công việc tốt.

Tà cho biết phần lớn sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp trường Đại học Hà Tĩnh khi về Lào đều tìm được công việc phù hợp tại các cơ quan nhà nước ở Lào và được đánh giá cao về năng lực công việc. Chẳng hạn như ngành CNTT khóa 1 ngay sau khi ra trường cả 5 bạn đều có công việc ổn định. Ngoài Xủ Li Tà, bốn người còn lại làm tại các cơ quan nhà nước gồm Khuân Ta Xay làm việc tại Ban kiểm tra Đảng, Xay Xa Món làm tại Sở Giáo dục và Thể thao, Lem Bô làm tại sở Nông nghiệp và Lâm nghiệp, còn A Nủ Xít làm tại phòng Cảnh sát xuất nhập cảnh tại Viêng Chăn. Sinh viên khóa 2, khóa 3, khóa 4 ngành CNTT đa phần đều sớm có việc làm và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục, truyền thông, ngân hàng, hải quan, … . Các thế hệ sinh viên Lào tốt nghiệp trường ĐHHT gần như phủ sóng mọi lĩnh vực, ngành nghề trong các cơ quan nhà nước tại Lào.

t5 g3

Hình 3. Xủ Li Tà Xón Xắc Xít nhận bằng tốt nghiệp đại học

Tà cũng cảm nhận rằng: người Việt rất thông minh, vui vẻ, nhiệt tình và sáng tạo. Các bạn Lào học tại đây rất thích các buổi giao lưu văn hóa, thể thao với người Việt bởi ở đó mọi rào cản về văn hóa, ngôn ngữ đều được xóa bỏ. Cuộc sống tại Hà Tĩnh cũng khá thoải mái, bởi người dân thân thiện và mặc dù sống tại một tỉnh nhỏ của Việt Nam, nhưng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ ở đây đều hiện đại. Điều bất ngờ nhất là giá thành sinh hoạt và dịch vụ ở Hà Tĩnh rất dễ chịu, đặc biệt là các dịch vụ viễn thông.

t5 g4

Hình 4. Tà và các bạn trong một buổi sinh hoạt Đoàn thanh biên

Kể về những kỷ niệm với các bạn Việt, Tà nói có quá nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Trong học tập, có những hôm các bạn Việt phải nán lại lớp qua cả giờ ăn để giảng bài cho các bạn Lào trước khi học bài mới; những buổi thức thâu đêm cùng nhau làm bài tập lớn, … Tà cũng được sống cùng phòng ký túc xá với các bạn người Việt nên có rất nhiều trải nghiệm về món ăn, văn hóa Việt, được chăm sóc tận tình lúc ốm đau  và cùng nhau xây dựng, tổ chức các lễ hội văn hóa Lào – Việt, …

t5 g5

Hình 5. Sinh viên Lào – Việt cùng tham gia các hoạt động thể thao tại trường ĐHHT

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các bạn LHS Lào đang theo học tại trường ĐHHT, Tà nhắn nhủ: LHS Lào phải chăm chỉ học tập, trau dồi không những về chuyên môn mà còn học hỏi những nét tốt đẹp từ văn hóa Việt Nam để về xây dựng đất nước Lào. Tà cũng cho biết sẽ tư vấn cho nhiều em học sinh có dự định du học theo học trường ĐHHT vì đây là một ngôi trường tốt, có nhiều cán bộ, giảng viên giỏi, tận tâm với công việc giảng dạy. Hiện nay, trường ĐHHT đã xây dựng xong hệ thống giảng đường, ký túc xá sạch đẹp; trang bị nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ quá trình dạy và học; mở rộng quy mô đào tạo, xây dựng một số chương trình đào tạo mới phù hợp với sinh viên quốc tế, … nên trường ĐHHT sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của du học sinh Lào.