1. Khái niệm

Dạy học thực hành là Phương pháp dạy học (PPDH) dựa vào sự quan sát và thực nghiệm tự lực của học sinh (HS) dưới sự hướng dẫn của giảng viên (GV) thể hiện bằng lời nói, câu hỏi, bài tập thực hành, thao tác nhằm giúp cho HS hiểu rõ và vận dụng kiến thức lí thuyết để hình thành và rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo nghề nghiệp.

Dạy học thực hành có các đặc điểm sau:

- Dạy học thực hành là PPDH tích cực, vừa có thể dùng dạy bài mới, củng cố, ôn tập, hoàn thiện, đào sâu, vừa vận dụng và khẳng định đúng đắn các kiến thức lí thuyết.

- Dạy học thực hành cần kết hợp sử dụng nhiều PPDH khác nhau tuỳ theo mục đích và nội dung của từng giai đoạn như phương pháp làm mẫu – quan sát, huấn luyện – luyện tập.

- Dưới sự hướng dẫn của GV, HS lặp lại nhiều lần những hành động nhất định trong những hoàn cảnh khác nhau nhằm hình thành và phát triển kĩ năng, kĩ xảo.

- Dạy học thực hành giúp HS mở rộng, đào sâu khái quát hoá, hệ thống hoá tri thức đã học, kĩ năng, kĩ xảo đã được hình thành, phát triển trí nhớ, tư duy và qua đó điều chỉnh những sai lầm trong nhận thức của họ.

- Dạy học thực hành là một PPDH đặc thù quan trọng của môn Tin học; là sự phối hợp mật thiết, phức tạp giữa lời nói, công cụ và phương tiện máy tính với bài tập/bài thực hành/đề tài nghiên cứu do GV thiết kế, xây dựng, và HS thực hiện, nộp sản phẩm.

- Thực hành phản ánh nội dung chủ đề/bài học lí thuyết, phối hợp nhiều giác quan, do đó phát triển tính tích cực học tập, tăng hoạt động độc lập của HS, kích thích tư duy, làm cho HS lĩnh hội tri thức tự lực, trực tiếp, qua đó tự tin về khả năng bản thân và hiểu sâu hơn về nội dung học.

Đối với môn Tin học, dạy học thực hành được phân tách thành:

Thực hành quan sát: nhận biết, so sánh quy trình thao tác.

- Thực hành quan sát - nhận biết: phương pháp được dùng khi học các bài có nội dung mô tả, nhận diện đối tượng, nguyên lí làm việc hệ thống, trình bày quy trình, thao tác, tư duy tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau, …

- Thực hành quan sát - so sánh: sử dụng trong việc hình thành các khái niệm tin học, hoặc trong nhận biết các mối quan hệ, phân loại, kiến trúc, bản chất, …

- Thực hành quan sát - quy trình: phương pháp này được dùng phổ biến trong nghiên cứu quy trình, thao tác, hoặc nguyên lí làm việc, nguyên lí hoạt động hoặc các bước của thuật toán, … từ đó HS có được tri thức về quy trình, hiểu biết các chức năng hệ thống theo thứ tự thời gian gắn với không gian hoạt động.

Thực hành bắt chước: quan sát và thực hiện rập khuôn, hoặc nâng cao hơn là thực hiện đúng như hướng dẫn một cách chính xác.

Thực hành chính xác: đạt được kĩ năng thực hiện một nhiệm vụ, thao tác ở trình độ cao.

2. Cách tiến hành

Thông thường một quá trình dạy học thực hành trải qua 3 giai đoạn: chuẩn bị, thực hiện và kết thúc. Ở giai đoạn thực hiện, dạy học thực hành bộc lộ được các đặc trưng của nó rõ nét nhất.

Giai đoạn chuẩn bị: GV chọn đề tài thực hành, xác định phương án thực hành, chuẩn bị thiết bị, phân công vị trí thực hành, kiểm tra, sắp xếp dụng cụ.

Giai đoạn thực hiện: gồm 4 bước như bên dưới.

Bước 1 – Mở đầu: Khơi dậy động cơ học tập đối với nội dung học, giúp HS hiểu được nhiệm vụ học tập.

Bước 2 – Làm mẫu: GV làm mẫu và giải thích từng bước/công đoạn, chẳng hạn như công việc là gì, làm như thế nào, tại sao phải thực hiện; đưa ra những điểm cơ bản; lặp lại các bước. Tuỳ theo trình độ của HS, việc làm mẫu có thể được thực bởi GV, HS hoặc kết hợp cả hai.

Bước 3 – Làm lại: HS làm lại các bước và giải thích từng bước. GV hướng dẫn, đặt câu hỏi kiểm tra, sửa lỗi.

Bước 4 – HS luyện tập độc lập: HS tự thực hiện các công đoạn. GV tiếp tục theo dõi giúp đỡ nếu cần thiết, kiểm tra kết quả theo các tiêu chuẩn đánh giá.

Giai đoạn kết thúc: khi kết thúc bài thực hành, GV phân tích kết quả thực hiện so với mục đích yêu cầu; giải đáp các thắc mắc và lưu ý những sai sót mà HS mắc phải; củng cố kiến thức thông qua nội dung thực hành.

3. Định hướng sử dụng

Dạy học thực hành phát huy được tính tích cực, tự giác và khả năng giải quyết vấn đề khi luyện tập – thực hành độc lập, từ đó góp phần phát triển các năng lực chung như tự chủ và tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, và các phẩm chất như chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Đây là PPDH đặc thù của môn Tin học nên ngoài việc rèn luyện cho HS các phẩm chất, năng lực chung, thì tuỳ theo từng chủ đề/bài học cụ thể mà dạy học thực hành sẽ góp phần phát triển các thành phần năng lực của môn Tin học. GV làm mẫu, HS làm theo đối với những bài có thao tác khó và phức tạp. Trong khi hướng dẫn, GV phối hợp với các PPDH khác để nâng cao hiệu quả thực hành. HS phải được rèn luyện các thao tác từ đơn giản đến phức tạp. HS cần được hướng dẫn để tự đánh giá sản phẩm. Khi dạy học thực hành cần có sự theo giám sát chặt chẽ của GV, tránh tình trạng HS tự ý làm việc riêng.