Hiện nay, có nhiều phương pháp dạy và học tích cực. Mỗi một phương pháp đều có ưu điểm riêng. Với mỗi chủ đề bài dạy, cần chọn phương pháp phù hợp với mục tiêu, bản chất vấn đề, phù hợp với thành phần nhóm lớp học, các nguồn lực và công cụ dạy-học sẵn có.

Dạy học là tập hợp các quá trình và các thủ tục được giảng viên sử dụng để tạo ra việc học tập. Nó được xem như là một quá trình đem lại những thay đổi tích cực trong học viên.

Phương pháp dạy học là một cách tổ chức riêng các hoạt động sư phạm được thực hiện phù hợp với một số quy tắc nào đó để đưa sinh viên đạt tới mục tiêu cụ thể.

Phương pháp dạy học có thể được chia theo ba cấp độ: cấp độ vĩ mô (Quan điểm dạy học), cấp độ trung gian (Phương pháp dạy học cụ thể) và cấp độ vi mô (Kĩ thuật dạy học) [1].

a. Phương pháp tương tác, hợp tác

Bộ óc mỗi con người đều có những khả năng tiềm tàng và đã được hình thành sẵn cho những ý tưởng, sự tưởng tượng và sáng tạo. Do đó, trong khi những vật vô tri vô giác là những vật tiếp thu một cách thụ động những tác động bên ngoài và động vật chỉ có thể phản ứng một cách bản năng thì chỉ có trí óc con người là có thể tương tác.

Tương tác là một hiện tượng đa diện. Do đó, có thể có rất nhiều hình thức hợp tác như học nhóm, nghiên cứu theo nhóm, thảo luận ở tổ, lớp, xeemina, hội thảo chuyên đề, đóng vai, tương tác giữa người dạy và học, tương tác trong nhóm cùng độ tuổi, trình độ [2].

Chúng tôi trình bày hai hình thức: làm việc với thầy với bạn và thảo luận nhóm.

Hình thức làm việc với thầy, với bạn: Dưới sự hướng dẫn, kích thích của người thầy, chủ thể người học tiến hành việc học một chủ đề thông qua ba thời sau:

- Thời một: Nghiên cứu cá nhân. Theo sự hướng dẫn của thầy, học sinh tự đặt mình vào vị trí của người tự nghiên cứu, tự tiến hành khám phá tìm ra các kiến thức “mới” hoặc các giải pháp bằng cách tự lực suy nghĩ xử lý các tình huống, giải quyết các vấn đề thầy đã đặt ra.

- Thời hai: Hợp tác với bạn, học bạn. “Sản phẩm ban đầu” thực sự có ý nghĩa đối với học sinh vì đó là kết quả đạt được do hoạt động của ban thân học sinh, song dễ mang tính chủ quan. Để khách quan, khoa học hơn, sản phẩm đó phải thoogn qua đánh giá, phân tích, bổ sung của cộng đồng các chủ thể, xã hội-lớp học, tức là chủ thể học sinh phải hợp tác với bạn, học bạn thông qua hình thức trao đổi cá nhân, thảo luận nhóm, lớp, các hoạt động tập thể.

- Thời ba: Hợp tác với thầy, học thầy, tự kiểm tra, tự điều chỉnh. Học sinh đã học thầy từ thời một: thay thế cho bài giảng sẵn, thầy đã đặt trò trước một hệ thống tình huống và định hướng cho trò xử lí tình huống, trò phải nắm được và học theo những gì thầy hướng dẫn. ở thời hai, thầy là người tổ chức cho tập thể thảo luận, hoạt động tập trung vào mục tiêu “tìm cái chưa biêt” của chủ đề giáo dục. ở thời ba, thày là người trọng tài kết luận về những gì cá nhân và tập thể lớp đã tự tìm ra thành bài khoa học. Học thầy là học nội dung bài thầy đã kết luận cùng cách ứng xử của thầy để đi đến kết luận.

Hình thức thảo luận nhòm: là một nhóm nhỏ sinh viên cùng thảo luận một vấn đề hoặc một bài toán tại thời điểm nhất định của bài giảng nhằm trình bày và trao đổi trước toàn lớp. Hình thức tổ chức học tập này tạo nên môi trường hợp tác giữa trò-trò, thầy-trò.

b. Phương pháp dạy học đặt và giải quyết vấn đề

Nét đặc trưng chủ yếu của dạy học đặt và giải quyết vấn đề là sự lĩnh hội tri thức diễn ra thông qua việc tổ chức cho học sinh hoạt động đặt và giải quyết các vấn đề. Sau khi giả quyết vấn đề học sinh sẽ thu nhận được kiến thức mới, kĩ năng mới hoặc thái độ tích cực [3].

Quy trình của phương pháp dạy học đặt và giải quyết vấn đề:

- Đặt vấn đề, xây dựng bài toán nhận thức: tạo tình huống có vấn đề; phát triển và nhận dạng vấn đề nảy sinh; phát biểu vấn đề cần giải quyết.

- Giải quyết vấn đề đặt ra: đề xuất các giả thuyết; lập kế hoạch giải quyết vấn đề; thực hiện kế hoạch.

- Kết luận: thảo luận kết quả và đánh giá; khẳng định hay bác bỏ giả thuyết đã nêu; phát biểu kết luận; đề xuất vấn đề mới.

Giáo viên cần xác định rõ sẽ kết hợp với phương pháp và kĩ thuật dạy học nào, ví dụ kĩ thuật sơ đồ tư duy, khăn phủ bàn.

Phương pháp này tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, phát triển năng lực nhận thức, năng lực giải quyết vấn đề.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Lăng Bình, Đỗ Hương Trà – Dạy và học tích cực Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, NXB Đại học sư phạm, 2010.

[2] Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Khánh Bằng – Phương pháp dạy và học đại học – NXB Đại học sư phạm, 2009.

[3] Phạm Thanh Vinh - Một số biện pháp tăng cường khả năng tự học cho sinh viên khi học theo học chế tín chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giảng viên ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Tạp chí Giáo dục, 2018.