Từ năm học 2016 -2017, Nhà trường đã triển khai áp dụng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO cho sinh viên khóa 9 ở tất cả các mã ngành ngoài sư phạm. Tuy nhiên, đối với sinh viên, khái niệm về chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO vẫn còn khá mới mẻ và một số bộ phận sinh viên, đặc biệt sinh viên Lào vẫn chưa chuẩn bị tốt tâm thế để vận dụng tốt các ưu điểm của chương trình.

CDIO (Conceive – hình thành ý tưởng; Design – thiết kế ý tưởng; Implement – thực hiện; Operate – vận hành), là phương pháp luận giáo dục (hay mô hình giáo dục khung) được đề xuất bởi một nhóm gồm 4 trường Đại học, dẫn đầu là MIT, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho các ngành kỹ thuật. CDIO ra đời vào cuối thập niên 1990 và đã có những phát triển vượt bậc trong nhiều năm qua. Du nhập vào Việt Nam từ 2008, mô hình đào tạo CDIO đã được nhiều trường đại học đón nhận và coi đó là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo.

Nhận thấy những ưu điểm của CDIO trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm học 2015-2016, lãnh đạo Trường đại học Hà Tĩnh đã quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cập nhật các kiến thức và thông tin hữu ích về công tác đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO nhằm xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng trên cơ sở đề ra các chuẩn đầu ra trong khung chương trình đào tạo. Chương trình này đã được triển khai áp dụng đối với sinh viên khóa 9, từ năm học 2016 – 2017.

Sinh viên trong chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO được phát triển và cần đạt được 4 năng lực chính (hay còn gọi là chuẩn đầu ra) khi tốt nghiệp. Chúng bao gồm: Khối kiến thức (lý thuyết) và lập luận ngành; Các kỹ năng và phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp; Các kỹ năng và phẩm chất xã hội; Năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn đặt trong bối cảnh xã hội và doanh nghiệp.

Theo hướng tiếp cận CDIO, sinh viên sẽ được đào tạo theo một quy trình bài bản và được phát triển toàn diện về tri thức, kỹ năng và thái độ. Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, yêu cầu sinh viên cần có phương pháp học tập phù hợp để bắt nhịp được với chương trình đào tạo mới:

- Sinh viên cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo, nghiên cứu kỹ các chuẩn đầu ra của mã ngành mình theo học nhằm chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho việc tiếp nhận kiến thức và phát triển kỹ năng của bản thân. Việc nghiên cứu chương trình đào tạo cũng giúp người học có cái nhìn rõ hơn về tiến trình học tập của mình tại trường đại học nhằm chủ động phân bổ thời gian, đăng ký tín chỉ phù hợp.

- Sinh viên cần chú trọng phương pháp tự học: dưới sự hướng dẫn của giáo viên, sinh viên cần chủ động nghiên cứu trước giáo trình, đọc các tài liệu có liên quan. Ngoài ra, cần ứng dụng các thế mạnh của Internet, thư viện điện tử để sưu tầm, nghiên cứu các các tài liệu có liên quan đến nội dung của từng phần, từng chương, mục hay chuyên đề nhằm chuẩn bị các ý kiến hỏi, các đề xuất khi nghe giảng; chủ động đóng góp ý kiến, thảo luận và phản biện nội dung môn học trong các giờ lên lớp. Nếu sinh viên có thể rèn luyện được phương pháp, kỹ năng, thói quen, ý chí tự học thì kết quả học tập sẽ nhân lên gấp bội.

- Sinh viên cần chủ động và tự nguyện tham gia, áp dụng các kiến thức đã được học giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Việc tham gia vào các hoạt động thực tiễn sẽ giúp sinh viên biết cách phân tích, áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế công việc. Điều này cũng giúp sinh viên hình thành các kỹ năng sống, năng lực và thái độ với nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Đối với chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO cho khối ngành kỹ thuật, số tín chỉ bị thu hẹp trong khi nội dung chương trình không giảm, yêu cầu về chất lượng đào tạo phải tăng, do đó quá trình học khối lượng đồ án môn học, bài tập, bài kiếm tra khá nhiều, yêu cầu sinh viên không những dành nhiều thời gian tự học hơn mà còn phải hết sức nổ lực, chủ động sáng tạo trong quá trình học tập.

Tiếp cận CDIO sẽ giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn. Các công đoạn của quá trình đào tạo sẽ có tính liên thông và gắn kết chặt chẽ. Triển khai tiếp cận CDIO ở Trường Đại học Hà Tĩnh có thể mở ra một hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội ngày nay.