1. Công nghệ sinh học

Trong 40 năm gần đây, ngành công nghệ sinh học (CNSH) đã trở thành một ngành công nghệ then chốt, liên quan tới một loạt các ngành về sinh học như: kĩ thuật gen, khoa học về sự sống, sản xuất công nghiệp sinh học, phân tích môi trường...

CNSH chủ yếu dựa vào các thành tựu hiện đại về sinh học phân tử. Sản phẩm đặc trưng là các giống cây, con, vi sinh vật có chất lượng cao và các sản phẩm dùng trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế...Từ CNSH đem đến hàng loạt các công nghệ dẫn xuất: Công nghệ enzym, nhân bản vô tính, thụ tinh trong ống nghiệm, khai mỏ vi sinh...CNSH tạo khả năng cho các ngành công nghiệp không phế thải, các ngành công nghiệp thân môi trường.

Về thực chất, CNSH bao hàm việc cải biến vật liệu di truyền gốc trong các vật thể sống, cụ thể là ADN nhằm mang lại những đặc tính và những khả năng mới ở thực vật, động vật và vi sinh vật để có thể tạo ra các ứng dụng có lợi cho con người.

Với tính cách là một ngành công nghệ cao, cho tới nay, ngành CNSH hiện đại đã trải qua 3 làn sóng phát triển. Làn sóng CNSH lần thứ nhất xuất hiện ở Mỹ vào cuối thập niên  bảy mươi của thế kỉ trước, ban đầu tập trung vào các ứng dụng CNSH trong y tế. Vào giữa thập niên chín mươi làn sóng CNSH thứ hai khởi đầu bằng sự dịch chuyển mạnh mẽ trọng tâm nghiên cứu các ứng dụng CNSH vào nông nghiệp. Điều này được thể hiện ở sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực các cây trồng biến đổi gen trên qui mô toàn cầu. Mặc dù có tốc độ phát triển cao, nhưng có tới 90% các loại cây biến đổi gen được gieo trồng tại 6 nước là Mỹ, Achentina, Braxin, Trung quốc, Nam Phi và Canada. Tuy nhiên, người tiêu dùng ở một số thị trường chủ chốt trên thế giới như ở châu Âu, Nhật Bản... phản kháng mạnh mẽ đối với sản phẩm biến đổi gen này, cho thấy vẫn có một mức độ chưa ổn định trong hướng phát triển tương lai của ngành CNSH cuối thế kỉ XX. Tuy nhiên, số nước trồng cây biến đổi gen vẫn tăng lên gấp 3 lần trong vòng 9 năm, từ 6 nước năm 1996 lên 17 nước vào năm 2004.

Vào đầu thế kỉ XXI, làn sóng CNSH lần thứ ba được khởi đầu bằng việc chuyển trọng tâm nghiên cứu và kinh doanh các sản phẩm CNSH sang các ứng dụng vào các ngành có liên quan tới y tế và phúc lợi, với cốt lõi là các CNSH công nghiệp và CNSH môi trường. Hiện nay, CNSH công nghiệp chủ yếu bao gồm các công nghệ xử lí sinh học để sản xuất ra các sản phẩm đặc biệt như các chất tẩy, các dược phẩm dinh dưỡng và một số loại dược phẩm.Theo dự báo, trong tương lai gần việc sản xuất các sản phẩm tiêu dùng có thể tái tạo sẽ được đẩy mạnh và sẽ xuất hiện những xí nghiệp tinh chế sinh học tương tự như các xí nghiệp tinh chế các sản phẩm hoá dầu hiện nay.

Ngoài khoa học về sự sống chủ yếu tập trung vào CNSH công nghiệp và môi trường, còn xuất hiện những lĩnh vực quan trọng mới như các vật liệu mới, công nghiệp sinh học, vật liệu sinh học, các nguồn nhiên liệu, các qui trình sinh học, bao gồm ngành "hoá học xanh" và ngành phỏng sinh học như: thiết bị cảm biến sinh học, gen học dược liệu và y học cá thể hoá, gen học protein, y học dự báo, trị liệu gen, vacxin đơn dòng, các sinh vật biến đổi gen, các tế bào gốc, sinh sản vô tính, gen về động vật học, thuỷ canh...

2. Về cây trồng biến đổi gen

Năm 2004, diện tích  cây trồng biến đổi gen được trồng và mua bán trên thị trường thế giới là 81 triệu hecta, có khoảng 8,25 triệu nông dân tại 17 quốc gia trồng cây biến đổi gen, 90% trong số họ là những nông dân có thu nhập thấp tại các nước đang phát triển, việc trồng cây biến đổi gen đã giúp những nông dân này xoá đói giảm nghèo.

Trong khoảng thời gian 9 năm từ 1996 đến năm 2004, diện tích cây trồng biến đổi gen trên thế giới đã tăng lên 47 lần (từ 1,7 triệu hecta năm 1996 lên 81 triệu hecta năm 2004). Các loại cây trồng biến đổi gen chiếm tỉ lệ cao nhất trong việc áp dụng các công nghệ về cây trồng trong nông nghiệp và hàng năm tăng liên tục hai con số, điều này cho thấy ngày càng có nhiều nông dân trên thế giới chấp nhận và trồng cây trồng biến đổi gen. Trong khi một phần đáng kể cây trồng biến đổi gen (66%) được trồng tại các nước phát triển, thì thị phần cây trồng biến đổi gen tại các nước đang phát triển lại liên tục tăng nhanh, đặc biệt tại một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin, Achentina, Braxin, Mehicô, Uragoay, Nam Phi...Tại các nước đang phát triển, diện tích cây trồng biến đổi gen tăng cao gần gấp 3 lần mức tăng tại các nước công nghiệp. Các loại cây trồng biến đổi gen phổ biến nhất là đậu tương chịu thuốc diệt cỏ (năm 2004 là 48,4 triệu hecta), ngô (11,2 triệu hecta), bông (4,5 triệu hecta). Năm 2004, 56% diện tích đậu tương trên thế giới là đậu tương biến đổi gen.

Năm 2004 doanh số các sản phẩm  bán ra của cây trồng biến đổi gen trên thế giới đạt 4,70 tỉđô la, chiếm 15% trong tổng số 32,5 tỉ đô la  kim ngạch thị trường cây trồng được bảo hộ trên toàn thế giới. Năm 2005 doanh số này đạt hơn 5 tỉ đô la

Trên qui mô toàn cầu, diện tích và số nước trồng cây trồng biến đổi gen sẽ tiếp tục tăng trong năm 2006 và những năm sau. Số lượng và tỉ lệ các hộ nông dân nhỏ tại các nước đang phát triển trồng cây trồng biến đổi gen cũng sẽ tăng đáng kể để đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cũng như nhu cầu về thịt của dân số đang ngày một gia tăng. Dự kiến đến năm 2010, diện tích cây trồng biến đổi gen đạt 150 triệu hecta với khoảng 15 triệu người trồng tại 30 nước trên thế giới.

3. Triển vọng và tương lai của CNSH

Trong tầm dài hạn đến năm 2030 được dự báo là 50% protein của ngành thuỷ sản toàn cầu đi từ phương pháp thuỷ canh, phương pháp mô phỏng sinh học được sử dụng để tạo ra các cơ cấu tự sữa chữa và các hệ thống bảo vệ nhiệt...

Những công nghệ sớm có triển vọng đã nêu trên cho thấy khả năng xuất hiện một số hướng công nghệ dẫn động có tính then chốt như sau:

- Khả năng tạo ra các chuối gen và prôtein.

- Năng lực cao trong việc giám sát và đo lường các hiện tượng ở cấp phân tử và trong những môi trường khác biệt, ở xa.

- Khả năng thay thế các qui trình công nghiệp bằng các qui trình nông nghiệp có tính bền vững.

- Tìm hiểu mức độ cao hơn các nguyên nhân đặc thù và các đơn thuốc chữa trịđặc thù cho một số lớn các bệnh tật. Năng lực tiên đoán có tính hoàn thiện cao đối với các cá nhân đang có nguy cơ mắc bệnh.

- Khả năng tìm hiểu những tương tác ở mức độ lớn hơn của các hiện tượng sinh học, có khả năng dẫn tới một mô hình dịch tễ học sinh thái và năng lực điều khiển các mô hình đó.

- Có khả năng tạo ra "các ngành sinh thái học tối thiểu" - đó là những môi trường trong các hệ thống khép kín (trạm vũ trụ) có thể hỗ trợ cuộc sống trên một nền tảng bền vững.

4. Thực phẩm biến đổi gene, cứu cánh hay thảm họa

Theo tác giả Thảo Nguyên (báo Dân trí điện tử): Trong khi nhiều sản phẩm biến đổi gen đã có mặt ở thị trường Việt Nam, điều người tiêu dùng quan tâm nhất là an toàn với sức khỏe. Một số chuyên gia cho rằng Chính phủ nên đóng vai trò định hướng tiêu dùng thay vì “thả” cho người dân tự lựa chọn.

Nhiều giống ngô biến đổi gen đang được trồng khảo nghiệm ở Việt Nam

Nhiều giống ngô biến đổi gen đang được trồng khảo nghiệm ở Việt Nam

Thực phẩm biến đổi gen (Gene Modified - được gọi tắt là GM, hay thực phẩm công nghệ sinh học) là những thực phẩm có nguồn gốc từ sinh vật đã được biến đổi gen thông qua các biện pháp kỹ thuật của con người. Sinh vật biến đổi gen sẽ có những thay đổi cấu trúc DNA của họ bằng các kỹ thuật kỹ thuật di truyền để tạo ra những sản phẩm như mong muốn của con người. Những kỹ thuật này là chính xác hơn nhiều so với đột biến gen (đột biến giống). Nó là thực phẩm có được nhờ việc đưa ADN của một loại, có thể là vi khuẩn, virut, động vật hay con người vào ADN của cây trồng, vật nuôi khác để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mới.

Còn nhiều ý kiến trái chiều

Tại Hội thảo "Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen 2012" được tổ chức vào chiều 8/3 tại Hà Nội, đại diện từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng cho rằng các cơ quan chức năng nên dán nhãn các sản phẩm GM và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để họ có quyền tự lựa chọn dùng hay không dùng sản phẩm này vì quyền lợi và sức khỏe của họ.

Nhưng theo GS Lê Đình Lương, người sáng lập Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (Liên hiệp Các Hội khoa học kĩ thuật Việt Nam), nếu để người dân tự lựa chọn dùng hay không dùng sản phẩm GM là thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng vì người dân không có đầy đủ thông tin như những nhà quản lý.

“Tôi không đồng tình với việc dán nhãn sản phẩm GM vì việc dán nhãn mang ý nghĩa tiêu cực, gây tâm lý cho người tiêu dùng là những sản phẩm này nguy hiểm,” GS Lương nhận định.

Theo GS, để phát triển và ứng dụng các sản phẩm GM ở Việt Nam, trong chiến lược 3Ps (Product – Process – Political Will), Viêt Nam chỉ cần một chữ “P”, đó là “Bản lĩnh chính trị” (Political will), nghĩa là sự quyết tâm và định hướng của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách trong vấn đề này.

Theo TS Clive James, Người sáng lập và Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), truyền thông đóng vai trò quan trọng để giúp người dân hiểu hơn về các sản phẩm GM.

“Ngoài việc tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn cho giới truyền thông về GM, cũng cần tổ chức các chuyến tham quan thực địa để tạo cơ hội cho giới báo chí tiếp cận thực tế, gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia và hỏi trực tiếp nông dân tham gia canh tác cây trồng biến đổi gen,” Ông James nhận định.

Theo TS James, hiện nay đã có khoảng 10 loại cây trồng biến đổi gen được canh tác như ngô, đậu tương, đu đủ, khoai tây, cây cải dầu…Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ đứng đầu thế giới về diện tích canh tác cây GM lần lượt là 36,6 triệu ha, 23,9 triệu ha, 11.6 triệu ha, 10.8 triệu ha.

Cây trồng biến đổi gen giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập, giúp bảo tồn đa dạng sinh học do tiết kiệm đất, giúp giảm các tác động đến môi trường do giảm các nhu cầu đầu vào từ bên ngoài, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, giảm phát thải khí CO2, bảo tồn đất và nước; góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo.

Tùy thuộc vào sự lựa chọn

“Không ai dám khẳng định 100% là sản phẩm truyền thống hay sản phẩm GM là hoàn toàn an toàn. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng chúng ta có thể sản xuất được ngô biến đổi gen thậm chí còn an toàn hơn cả ngô trồng theo công nghệ truyền thống vì giống ngô mới đã được loại bỏ nhiều chất độc mà ngô di truyền vẫn có” TS James khẳng định.

Theo TS Randy A Hautea, Điều phối viên toàn cầu ISAAA, mỗi sản phẩm phê duyệt cần được tiến hành nghiên cứu trong nước, nhất là nghiên cứu về tác động môi trường, và phải được tiến hành thử nghiệm đồng thời tại nhiều khu vực trong nước. Cũng cần thường xuyên theo dõi, giám sát độ an toàn của sản phẩm.

Trong số 28 nước canh tác cây trồng GM năm 2012, có 20 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp. Khoảng 60% dân số thế giới hay khoảng 4 tỷ người sống ở 28 nước này đang canh tác cây trồng GM.

Hiện nay Việt Nam vẫn chậm áp dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp vì còn nhiều lo ngại chúng có thể gây nên những nguy mà con người chưa biết như tăng nguy cơ dị ứng, làm nhờn kháng sinh, gây độc cho cơ thể người. Cũng theo nhiều chuyên gia, nếu trồng đại trà thực phẩm biến đổi gene thì một số lợi ích kinh tế có thể bị nguy hại, như người nông dân bị ép giá do lệ thuộc vào các công ty cung ứng giống, môi trường nông nghiệp bị biến đổi, những công ty xuyên quốc gia trong lĩnh vực này đang sử dụng giống biến đổi gen, khiến cho nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ để đạt mục tiêu lợi nhuận.

Tuy nhiên TS James cho rằng Việt Nam càng chậm ứng dụng và phát triển cây trồng GM thì càng phải trả giá bằng việc tiếp tục chi nhiều hơn cho việc nhập khẩu nguyên liệu nông nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

GS TS Võ Tòng Xuân, thành viên hội đồng quản trị tổ chức ISAAA cho biết năm 2012 Việt Nam xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên Việt Nam phải liên tục nhập khẩu nguyên liệu, chủ yếu là đậu nành, khô dầu đậu nành, lúa mì, ngô… với kim ngạch khoảng 2 tỷ USD cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.

Sản xuất ngô và đậu nành theo công nghệ truyền thống ở ĐBSCL rất khó khăn vì gặp nhiều sâu bệnh, dẫn đến chi phí cao và năng suất thấp.

Để giải quyết bài toán này, những nhà hoạch định chính sách cần có những cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích và thách thức của việc chậm áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nước nhà.

Tài liệu tham khảo: 

1.Bộ KH&CN, Khoa học và công nghệ thế giới, Hà Nội 2004       

2. Bộ KH&CN, Khoa học và công nghệ Việt Nam 2004, Hà Nội 2004

3. Nguyễn Văn Uyển, Nguyễn Tiến Thắng, Những kiến thức cơ bản về công nghệ sinh học,  NXB Giáo dục - Hà Nội 1996

4. Website: http://dantri.com.vn/