Đó là giống lúa MỘT BỤI ĐỎ thuộc huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu.

Huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu là vùng đất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, đất ở đây bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Những diện tích phèn hoang hoá lên tới hàng chục ngàn hecta, nhưng trồng những gì cũng kém. Nông dân đã thử đủ loại cây, đủ loại giống nhưng trụ lại bền vững chỉ có khóm (dứa) và giống lúa Một bụi mọc rải rác ở bờ đìa (ao). Cho đến đầu những năm 1990, khi phong trào nuôi tôm bắt đầu phát triển, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, bà con huyện Hồng Dân nói riêng lấy nước mặn vào đồng để nuôi tôm, giống lúa Một bụi đỏ tự nhiên phát triển. Từ đó, bà con đem cấy giống lúa ấy trên những vuông tôm vào mùa mưa và mô hình đó nhanh chóng trở thành phong trào mà sau này gọi là ruộng một tôm, một lúa.

Lúa siêu chịu mặn Một bụi đỏ

Lúa siêu chịu mặn Một bụi đỏ

Cho mãi đến năm 2003, nhận thấy những giá trị tiềm năng mà giống lúa một bụi bờ đìa mang lại, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xúc tiến xây dựng thương hiệu gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân” từ giống lúa đặc biệt này. Lãnh đạo địa phương đã đến trường Đại học Cần thơ và Viện Lúa ĐBSCL nhờ các nhà khoa học giúp đưa giống lúa Một bụi đỏ về thuần chủng. Sau khi được thuần chủng, giống lúa này sinh trưởng ổn định trong điều kiện đất đai phèn mặn cao của Hồng Dân. Từ đó, diện tích lúa Một bụi đỏ không ngừng được nhân rộng, đến nay đã tăng lên hơn 21.000 ha.

Nhằm trợ giúp bà con phát triển, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Một bụi đỏ, ngày 25/6/2008, gạo Một bụi đỏ Hồng dân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn thương hiệu độc quyền. Từ khi gạo Một bụi đỏ được công nhận thương hiệu đã góp phần thay đổi tư duy mới, cách làm ăn mới của nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Đặc biệt, diện tích sản xuất lúa Một bụi đỏ của tỉnh không dừng lại hơn 20.160ha, mà trong tương lai có thể sẽ tăng thêm. Khi đó, đòi hỏi chính quyền, ngành nông nghiệp và nông dân chủ động đề ra các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng gạo, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm…      

Lúa một bụi đỏ huyện Hồng Dân, Bạc Liêu

Lúa một bụi đỏ huyện Hồng Dân, Bạc Liêu

Từ giống lúa Một bụi đỏ, các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục lai tạo thành công lúa Một bụi đỏ gạo màu hồng, vượt trội về chất lượng và giá trị, lại hấp dẫn về màu sắc. Gạo có những đặc tính ưu việt, như: hạt chắc, đều, không bị vở khi xay xát, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt là không tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật; hàm lượng sắt, kẽm canxi, protein, sắt cao, mềm cơm, tỷ lệ bạc bụng dưới 4%...

Sau sáu tháng trồng thử nghiệm trên 52ha, đến nay, 100% diện tích lúa Một bụi đỏ gạo hồng đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 5,5 tấn/ha, tổng sản lượng lúa thu về hơn 280 tấn.

Với năng suất và sản lượng này, tỉnh Bạc Liêu khẳng định dự án sản xuất lúa Một bụi đỏ gạo hồng tại huyện Hồng Dân đạt kết quả cao, mang lại thành công, mở ra hướng sản xuất mới, giúp nhà nông tăng thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất.

Công trình nghiên cứu về thổ nhưỡng của đất trồng lúa Một bụi đỏ của PGS.TS Nguyễn Quốc Thắng, Trường Đại học Hà Tĩnh và học viên Cao học Đặng Việt Quân, Sở Giáo dục - Đào tạo Bạc Liêu cho thấy, mặc dù năng suất chất lượng lúa Một bụi đỏ đã được khẳng định như trên nhưng các yếu tố về thổ nhưỡng (đa lượng cũng như vi lượng) của đất trồng lúa Một bụi đỏ thuộc về dạng đất bạc màu, các yếu tố dinh dưỡng đều thấp hơn vùng đất khác được so sánh (Huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu).

Thiết nghĩ, đây là giống lúa quí có thể nghiên cứu nhân rộng ra cả nước cho những vùng đất nhiễm mặn, trong đó có Hà Tĩnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. baobaclieu.vn/.../Nong_dan_huyen_Hong_Dan_trung_dam_lua_Mot_b...‎

2. www.khoahoc.com.vn/timkiem/lúa+một+bụi+đỏ+gạo.../index3.aspx

3. Đặng Việt Quân: "Xác định các chỉ tiêu về thổ nhưỡng, hàm lượng một số nguyên tố vi lượng và đất hiếm trong đất trồng lúa Một Bụi Đỏ ở huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu”, Luận văn Thạc sĩ, năm 2013 (PGS.TS Nguyễn Quốc Thắng hướng dẫn)