Khoa Kỹ thuật – Công nghệ là khoa đào tạo các ngành về kỹ thuật và công nghệ, nên để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài yếu tố con người thì cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ cho công tác thực hành là yếu tố vô cùng quan trọng.

 Các thiết bị, công nghệ, cơ sở thực hành là nơi để sinh viên rèn luyện chuyên môn, kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm ngay trong quá trình học. Bởi đây là cầu nối giữa giáo dục và thực tế sản xuất, là yếu tố căn bản tạo nên môi trường tiếp cận dần đến sản xuất, giúp sinh viên có cái nhìn trực quan hơn về nghề nghiệp mình đang theo học…

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường cao đẳng, đại học không đủ điều kiện để đầu tư về trang thiết bị cho cơ sở thực hành phục vụ cho công tác giảng dạy, đặc biệt đối với các trường đại học địa phương như Đại học Hà Tĩnh.  Bởi vậy, sinh viên khi ra trường thường yếu về kỹ năng thực hành và vận hành các máy móc, công nghệ, thiêt bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong các doanh nghiệp, nhất là các công nghệ mới. Do đó, nhằm đảm bảo công tác thực hành và nâng cao chất lượng đào tạo, thì khoa Kỹ thuật – Công nghệ đã đề xuất với nhà trường và tự bản thân mình cũng chủ động liên kết với các doanh nghiệp. Việc liên kết này sẽ giúp nhà trường và khoa sử dụng được các thiết bị sản xuất hiện đại, những thiết bị đắt tiền mà nhà trường không thể có để sinh viên thực hành; đồng thời đội ngũ giảng viên cũng được tiếp cận với công nghệ và phương tiện sản xuất hiện đại.

Gắn kết với doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở vấn đề tìm chỗ thực hành thực tập cho sinh viên hay xin học bổng, mà còn giúp việc đào tạo của trường, của khoa gắn liền với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Việc gắn kết với doanh nghiệp còn giúp giảng viên, người sử dụng lao động trao đổi và hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực sát với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Thông qua việc đánh giá của các doanh nghiệp, nhà trường và khoa sẽ có phương thức đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ góp phần vào kiểm định chất lượng đào tạo của nhà trường. Từ đó, khi tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ không mất thời gian, chi phí đào tạo lại; đồng thời đây cũng là một trong những hình thức quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp.

Ý thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo theo mô hình Nhà trường – Doanh nghiệp, nhiều trường đại học trong nước đã làm tốt công tác trong việc liên kết với các doanh nghiệp và thu được những thành công lớn.

Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, ngoài các mã ngành do khoa đảm nhận như Sư phạm Tin học, Kỉ sư CNTT và Kỉ sư Xây dựng, khoa còn quan lý và tham gia đào tạo các ngành học có sự liên thông liên kết như: Điện - điện tử, Chế tạo máy, Tự động hóa, Cấp thoát nước...và tham gia đào tạo kỉ sư, cử nhân cho nước bạn Lào trong những ngành mà khoa đảm nhận.

Trong những năm qua, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ luôn đi đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo theo mô hình Nhà trường – Cơ sở thực hành - Doanh nghiệp.

Một mặt, Khoa đề nghị với Nhà trường đầu tư hệ thống phòng máy với hàng trăm máy tính để phục vụ công tác thực hành cho sinh viên của trường nói chung, sinh viên ngành công nghệ thông tin nói riêng. Bên cạnh đó, dựa trên kế hoạch hàng năm, nhà trường từng bước xây dựng cơ sở thực hành, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác thực hành cho sinh viên các ngành đào tạo của khoa. Mặt khác khoa tích cực liên hệ, tìm kiếm các cơ sở thực hành ở bên ngoài, trong đó có các cơ sở thí nghiệm giúp sinh viên hoàn thiện các nội dung về thực hành thí nghiệm theo nội dung đào tạo. Liên kết doanh nghiệp được xem là một mắt xích trong quá trình đào tạo, gắn đào tạo với thế giới việc làm, gắn tuyển sinh với tuyển dụng.

Khoa luôn chủ động tìm hiểu, mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp không những trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (VNPT Hà Tĩnh, Công ty máy tính Vạn xuân, Trung tâm CNTT Hà Tĩnh, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thành Vinh, Công ty TV Xây dựng Thành Sen, Trung tâm Phân tích - Kiểm nghiệm - Hiệu chuẩn thuộc sở Khoa học và Công nghệ…), mà cả trên địa bàn tỉnh Nghệ An (TT bảo hành Samsung Nghệ An, Tổng công ty Xây dựng An Bình, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng công trình DVT, Công ty Xây dựng và XNK Việt Lào, Trung tâm thí nghiệm thuộc Đại học Vinh…). Khoa nổ lực, tích cực huy động lực lượng doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo. Hàng năm, các cán bộ của Trung tâm, Doanh nghiệp tham gia hướng dẫn đề tài thực tập tốt nghiệp của sinh viên. Bên canh đó, khoa còn mời một số Cán bộ, Giám đốc doanh nghiệp tham gia giảng dạy và hướng dẫn sinh viên làm bài tập lớn, sinh viên NCKH.

Tại các Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học hàng năm của Khoa có sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp với vai trò là thành viên Ban giám khảo. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đồng hành với khoa, trao giải thưởng cho các sinh viên, dành các suất học bổng cho sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập và sinh viên nghèo vượt khó.

Các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học của khoa có tính ứng dụng thực tiễn cao và đạt giải cao trong Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học hàng năm của trường: Từ điển Việt-Lào năm học 2012-2013, Quản lý HSSV ở ký túc xá năm học 2013-2014, Quản lý khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viên đa khoa tỉnh Hà Tĩnh năm học 2014-2015,…

Những sinh viên của khoa Kỹ thuật – Công nghệ đã ra trường, nhiều sinh viên đã khẳng định được mình trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều em đã được tuyển dụng vào các Công ty, tập đoàn kinh tế lớn như: Tập đoàn FPT, tập đoàn Vinaphone, Mobiphone tập đoàn Viettel…

Trong thời gian tới để nâng cao chất lượng đào tạo theo mô hình Nhà trường – Cơ sở thực hành – Doanh nghiệp, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ đề ra một số giải pháp cơ bản như sau:

  1. Đề nghị nhà trường đầu tư thêm một vài phòng máy nhằm đáp ứng nhu cầu thực hành thiết yếu của sinh viên các ngành Kỹ thuật – Công nghệ, đặc biệt là ngành Xây dựng;
  2. Tiếp tục củng cố và mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, trung tâm, đơn vị nhằm đảm bảo công tác thực hành, thực tập cho sinh viên một cách hiệu quả nhất.
  3. Mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp, trung tâm, đơn vị trong và ngoài tỉnh;
  4. Tổ chức cho sinh viên đối thoại với doanh nghiệp;
  5. Liên kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo;
  6. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở thực hành cho trường;
  7. Tổ chức các buổi hội thảo, hội chợ việc làm nhằm tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
  8. Trích kinh phí cho các cơ sở thực hành ngoài trường
  9. Tổ chức gặp gỡ với các sinh viên cũ của khoa để lấy ý kiến về chương trình, nội dung đào tạo để có hướng cải tiến nội dung, chương trình phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

                 NSM